Việt Nam tiếp tục xuất khẩu ớt tươi sang Trung Quốc

Sau 2 năm tạm dừng, Trung Quốc đã đồng ý cho 5 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu ớt tươi sang thị trường này.

Cục Bảo vệ thực vật cho biết đã nhận được thông báo từ Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc về việc Tổng cục Hải quan nước này cho phép tái xuất khẩu ớt tươi.

5 đơn vị xuất khẩu trực tiếp

Trước mắt, Trung Quốc công nhận 5 đơn vị Việt Nam được xuất khẩu ớt tươi, gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành An Onion; Công ty cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Cái Lân; Công ty trách nhiệm hữu hạn Cẩm Long – Đồng Tháp; Công ty trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Vĩnh Bình; Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Đông. Các lô hàng xuất khẩu của 5 doanh nghiệp này cần đảm bảo các yêu cầu trong dự thảo nghị định thư, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu về xử lý kiểm dịch thực vật.

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục đàm phán để ký nghị định thư xuất khẩu ớt tươi sang thị trường nước này.

Năm 2020, do vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, Trung Quốc và Malaysia – hai thị trường lớn tiêu thụ ớt Việt Nam đã ngừng nhập khẩu. Đến tháng 5/2021, hai nước này đồng ý nhập khẩu lại hàng hoá này kèm với một số yêu cầu về mã vùng trồng, loại thuốc bảo vệ thực vật…

Đến tháng 10/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý với các biện pháp kỹ thuật do Cục đề xuất và tiến hành kiểm tra trực tuyến với các cơ sở đóng gói của Việt Nam.

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ớt

Trong lúc đợi Trung Quốc có hướng dẫn công nhận thêm các cơ sở đóng gói, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục cùng các địa địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu ớt sang thị trường này. Sau đó, Cục đệ trình danh sách để Tổng cục Hải quan Trung Quốc thực hiện kiểm tra và phê duyệt.

Theo Cục bảo vệ thực vật, để được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch với quả ớt nhằm xuất sang Trung Quốc, doanh nghiệp cần lưu ý 3 điểm: Hàng hóa từ các vùng trồng đã được Cục cấp mã số và và cơ sơ đóng gói đã được được Trung Quốc công nhận; Xác nhận thông tin quá trình xử lý kiểm dịch thực vật căn cứ trên giấy chứng thư khử trùng do các đơn vị cung cấp dịch vụ đủ điều kiện hành nghề thực hiện; Ghi thông báo bổ sung lên Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật với nội dung đã thống nhất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.